Chủ nhà Nga có vị trí thấp nhất trên bảng xếp hạng FIFA trong 32 đội dự
World Cup 2018, song là đội thắng lớn nhất sau 2 lượt trận. Tuyệt chiêu lớn nhất
của họ là gì?
Đó không hẳn là lợi thế sân nhà, không hẳn là khả năng của các cầu
thủ Nga với trái bóng, mà là sức mạnh điền kinh của họ. Không có đội nào
chạy nhiều hơn đội Nga.
Theo thống kê của FIFA, trong trận ra quân thắng Saudi Arabia 5-0, cả
đội Nga chạy tổng cộng 118 km. Ở trận thắng Ai Cập 3-1, họ chạy 115 km.
Tổng cộng cả hai trận là 233 km. Đội bóng lao động chăm chỉ thứ hai sau
Nga là Australia với 225 km.
Người Nga chạy hăng nhất
Aleksandr Golovin, cầu thủ trẻ nhất tuyển Nga, 22 tuổi, không chỉ là
tiền vệ tài năng, còn là người chăm chỉ nhất giải đấu, chạy 22,15 km. Vị
trí tiếp theo trong danh sách các cầu thủ chạy nhiều ở giải đấu là các
tiền vệ Nga khác, Alexander Samedov và Iury Gazinsky.
Golovin không tích lũy quãng đường bằng những bước kiệu thong thả
trên sân, mà bằng nhiều cú bứt tốc. Nga cũng là đội thực hiện nhiều cú
bứt tốc nhất, với 824 lần trong 2 trận đầu.
Có thể do Saudi Arabia và Ai Cập để lộ nhiều khoảng trống cho Nga bứt
tốc, nhưng điều này không xóa đi ấn tượng rằng Nga là đội chăm chỉ,
giàu thể lực và có lối chơi trực diện.
Liệu có phải do dùng thuốc?
Chắc chắn có nhiều người ngạc nhiên với tuyển Nga, vì họ chỉ thắng 1
trong 9 trận đấu giải lớn gần đây, và không thắng trận nào trong 7 trận
giao hữu chuẩn bị World Cup 2018. Có lẽ sân nhà làm các cầu thủ Nga hưng
phấn hoạt động không biết mệt hoặc họ cố gắng chạy để bù vào sự thiếu
sót về kỹ thuật cá nhân.
Nhưng cũng có nghi ngờ rằng đội Nga dùng doping. Ông Travis Tygart,
người đứng đầu Cơ quan chống doping Mỹ (USADA) là một trong những người
bày tỏ sự nghi ngờ. Nền thể thao Nga thời gian qua liên tục gặp rắc rối
với các bê bối doping bị phanh phui, đến mức họ suýt bị cấm tham gia
Olympic 2016.
Năm ngoái, tất cả các thành viên đội tuyển Nga dự
World Cup 2014 bị điều tra xem họ có vi phạm thủ tục gì về kiểm tra
doping hay không. Tháng trước, FIFA tuyên bố khép lại điều tra vì “không
đủ chứng cứ”.
Mới tuần trước, trả lời về nghi ngờ đội tuyển Nga hiện tại mạnh thế,
người phát ngôn FIFA nói: “Nga là đội được mời đi thử doping nhiều nhất
trước thềm World Cup này”.
Ông Tygart cảnh báo rằng sẽ là “ngây thơ” nếu không nghĩ Nga sẽ vi
phạm các thủ tục về doping tại World Cup này. Ông này kêu gọi FIFA công
khai số ca thử doping của từng đội bóng trong từng trận. FIFA từ chối
thực hiện việc công khai này.
Chạy là vũ khí cần thiết nhất
Nga chứng tỏ những nghi ngờ vào họ là đúng sai thế nào thì chờ sau.
Nhưng một sự thật là các cầu thủ phải chạy mỗi lúc một nhiều, chạy càng
nhiều, cơ hội thắng trận càng lớn.
World Cup 2014, tuyển Anh chạy trung bình mỗi trận 84 km và bị loại ở
vòng 3 bảng. Đội vô địch Đức chạy trung bình mỗi trận 95 km. Các đội
lọt sâu trong giải như Argentina, Hà Lan, Bỉ đều chạy tổng cộng hơn 90
km trong mỗi 90 phút. Những đội gây ngạc nhiên như Mỹ, Costa Rica đều
chạy hơn số đó.
Còn các đội lười như Anh, xếp cuối bảng vận động là Tây Ban Nha, Bồ
Đào Nha, Italy, Croatia đều bị loại ở vòng bảng. Từ đó, các chuyên gia
rút ra kết luận: không thể lười chạy được.
Tuyển Anh trong 2 trận đầu thắng Tunisia và Panama chạy tổng cộng 204
km, tức là 102 km mỗi trận, hơn 18 km so với cách đây 4 năm. Tây Ban
Nha và Bồ Đào Nha chạy 208 km trong 2 trận. Mexico chạy 203 km. Đến các
đội chọn lối chơi tử thủ như Iceland (211 km), Iran (206 km) cũng chạy
nhiều.
Nếu so giữa hai con số 233 km của tuyển Nga và 204 km của tuyển Anh
sau 2 trận thì tuyển Nga chạy nhiều hơn tuyển Anh 12,5%. Dựa vào các yếu
tố hưng phấn sân nhà, lựa chọn lối chơi, thì hơn 12,5% cũng không phải
là quá nhiều để nghi oan cho tuyển Nga?